Công ty hàng tiêu dùng nhắm khách hàng mua định kỳ

Chánh Tài | 2019-02-18 |

Các đại gia hàng tiêu dùng như Unilever, Procter & Gamble và Nestle đang nhắm đến các khách hàng muốn được giao thực phẩm và đồ gia dụng tự động theo định kỳ dù mô hình kinh doanh này không phải lúc nào cũng hiệu quả.

Theo hãng tin Reuters, các đại gia hàng tiêu dùng đang quảng bá các dịch vụ đặt mua trực tuyến sản phẩm theo định kỳ, hứa hẹn mang lại nguồn doanh thu ổn định, tiết kiệm chi phí giao hàng và góp phần giữ kín các dữ liệu giá trị về khách hàng.

Hãng kinh doanh thực phẩm đóng gói lớn nhất thế giới Nestle gần đây đã giới thiệu một chương trình mua các đồ uống dinh dưỡng định kỳ ở Nhật Bản và đã mở rộng dịch vụ ReadyRefresh ở Mỹ, cho phép đặt mua trực tuyến các sản phẩm đồ uống như nước suối, nước ép trái cây và giao hàng theo định kỳ hàng tuần, hàng tháng, hàng quí.

Nestle đã thành công với mô hình đặt mua định kỳ cà phê viên nén Nespresso ở nhiều nước. Giờ đây, Nestle muốn mở rộng mô hình đặt mua định kỳ thức ăn cho thú cưng từ Tails.com ở Anh ra các nước châu Âu khác.

Hôm 21-1, tập đoàn hàng tiêu dùng nhanh Unilever cho biết sẽ khai trương thương hiệu Skinsei ở Mỹ để cung cấp định kỳ cho khách hàng các sản phẩm chăm sóc da được chọn lựa dựa trên nhu cầu của từng cá nhân. Trước đó, Unilever đã mở rộng dịch vụ đặt mua định kỳ dao và kem cạo râu Dollar Shave Club sang các sản phẩm khác như dầu dưỡng râu, kem đánh răng, nước hoa cho nam giới.

Unilever sẽ khai trương thương hiệu Skinsei ở Mỹ để cung cấp định kỳ cho khách hàng các sản phẩm dựa trên nhu cầu của từng cá nhân. Ảnh: Digitalartsonline.co.uk.

Tập đoàn kinh doanh các sản phẩm chăm sóc cá nhân và nhà cửa lớn nhất thế giới Procter & Gamble cũng mở rộng dịch vụ đặt mua định kỳ dao cạo râu có tên gọi Gillette on Demand từ Mỹ sang Canada.

Hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International cho biết các dịch vụ đặt mua dao cạo râu định kỳ bao gồm Dollar Shave Club, Gillette on Demand và Harry's chiếm 12% thị phần dao cạo râu ở Mỹ trong năm 2017.

Bán trực tiếp sản phẩm cho khách hàng cho phép các nhà sản xuất bỏ qua các nhà bán lẻ, nhờ vậy giúp họ gia tăng biên lợi nhuận, có khả năng quản lý giá cả và có chính sách khuyến mãi tốt hơn. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà sản xuất trong bối cảnh các ông lớn bán lẻ như Amazon (Mỹ) hay chuỗi siêu thị lớn thứ hai nước Anh Sainsbury’s nỗ lực sản xuất các nhãn hàng riêng của họ đồng thời ép buộc các công ty sản xuất hàng tiêu dùng phải đưa ra các mức chiết khấu cao.

Mô hình kinh doanh đặt mua định kỳ sẽ giúp các công ty sản xuất hàng tiêu dùng ổn định doanh thu và nắm bắt tốt hơn nhu cầu của khách hàng đồng thời giúp giảm chi phí giao hàng.

Nhà phân tích ngành bán lẻ Scott Mushkin ở Công ty Wolfe Research, nói: “Họ giao hàng cho bạn vào một ngày cụ thể chứ không chịu sức éo phải giao hàng đúng hẹn trong vòng 1 hoặc 2 ngày. Phương án này giúp họ giảm chi phí logistics và phân phối hàng hóa”.

Tập đoàn Procter & Gamble đang cung cấp dịch vụ đặt mua định kỳ dao cạo râu có tên gọi Gillette on Demand ở Mỹ và Canada. Ảnh: Tatango.com.

Kể từ năm 2016, Amazon cũng đã giảm giá mạnh lên đến mức 15% cho khách hàng nếu họ đăng ký mua các sản phẩm gia dụng định kỳ thông qua chương trình Subscribe and Save. Giờ đây, chương trình này là một mảng kinh doanh quan trọng mang lại doanh thu nhiều tỉ đô la mỗi năm cho Amazon.

Vấn đề đối với dịch vụ đặt mua hàng định kỳ là tỉ lệ hủy bỏ dịch vụ này khá cao cũng như chi phí tiếp thị cao. Hãng thực phẩm, đồ uống và bánh kẹo Mondelez International (Mỹ) đã phải tạm ngưng chương trình đặt mua định kỳ hàng tháng Oreo Cookie Club mới được triển khai năm ngoái ở Mỹ vì không hiệu quả. Với mức phí 20 đô la mỗi tháng, những người tham gia chương trình sẽ nhận được một thùng bánh quy Oreo với nhiều hương vị khác nhau kèm theo kính mát, ly và tất thương hiệu Oreo.

Sau ba tháng tham gia chương trình, Ruby Scarbrough, một khách hàng ở Mỹ đã hủy dịch vụ này sau khi nhận ra rằng cô có thể mua bánh quy Oreo ở các cửa hàng với mức giá rẻ hơn.

Jeff Jarrett, Giám đốc thương mại điện tử toàn cầu của Mondelez International, cho biết các thách thức của chương trình này là phải giao hàng với chi phí tiết kiệm và duy trì sự yêu thích của khách hàng.

Hãng thực phẩm tiêu dùng General Mills (Mỹ) cũng hủy bỏ chương trình đặt mua định kỳ các sản phẩm snack có tên gọi Nibblr vào năm 2015 sau 18 tháng triển khai. Một dự án tương tự của hãng thực phẩm Kellogg's (Mỹ) được lên kế hoạch ra mắt vào năm 2015 nhưng sau đó bị dẹp bỏ.

Trong khi đó, năm 2013, tập đoàn bán lẻ Walmart cũng “dẹp tiệm” dịch vụ giao bánh kẹo định kỳ có tên gọi Goodies.co với mức giá 7 đô la/tháng sau một năm vận hành.

Mô hình kinh doanh định kỳ là gì?

Các nhà công nghiệp thực phẩm và bán lẻ thường muốn có những đơn đặt hàng cố định theo từng mốc thời gian để họ có kế hoạch sản xuất tối thiểu, tránh tình trạng ế ẩm, dư thừa hàng hóa.

Ngay cả khi mua hàng nguyên liệu họ cũng làm theo cách này để khỏi lo chi phí tài chính phát sinh.

Chi phí hoa hồng cho siêu thị cao và hàng bị động như quá đát... đẩy giá bán lên cao.

Mô hình kinh doanh định kỳ là cách giúp các hãng ổn định thị trường tiêu thụ và đưa sản phẩm với giá cả hợp lý đến tay người tiêu dùng.

Jon Moeller, Giám đốc tài chính của Procter & Gamble, cho biết các dịch vụ giao hàng định kỳ đôi lúc gây thất vọng cho khách hàng vì họ nhận được quá nhiều hoặc quá ít sản phẩm.

Burt Flickinger, Giám đốc Công ty tư vấn Strategic Resources Group, cho biết mảng kinh doanh đặt mua định kỳ chiếm khoảng 10% doanh số bán lẻ trực tuyến và 1% tổng doanh thu bán lẻ nói chung ở Mỹ.

Ông cho biết mảng kinh doanh này đang phát triển nóng với tốc độ tăng trưởng doanh thu 17% mỗi năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng doanh thu 12% của tổng thể ngành bán lẻ trực tuyến. Ông dự báo mảng kinh doanh đặt mua định kỳ có thể chiếm hơn 10% thị phần bán lẻ ở Mỹ trong 5 năm tới.

Xem tin khác